Sunday, March 27, 2022

Kiểm thử giá trị biên

Kiểm thử giá trị biên là một phương pháp kiểm thử hộp đen dựa vào đặc tả của hàm. Phương pháp này xuất phát từ một thực tế rằng lỗi của phần mềm thường xảy ra vào biên của miền xác định của các biến đầu vào của hàm. Điều này là do các lập trình viên thường quên hoặc nhầm lẫn trong các dấu <, >, với <=, và >= khi viết các điều kiện.

Để việc trình bày phương pháp trở nên đơn giản và dễ hiểu, tôi trình bày thông qua một ví dụ sau.

Xét một hàm trong C# như sau:

public void DoSomething(int x, int y);

Trong đó, từ nghiệp vụ của hệ thống, ta có được thông tin giá trị của x, y như sau: 1<x<7 và 5<y<13.

  •  Kiểm thử giá trị biên thông thường

Với phương pháp kiểm thử biên thông thường, ta chỉ cần xét năm giá trị với mỗi biến đầu vào bao gồm: min, min+, norm, max-, max. Trong ví dụ này, với x, ta cần xét 1, 2, norm = (7+1)/2 = 4, 6, 7. Với y, ta cần xét 5, 6, norm = (13+5)/2 = 9, 12, 13.

Khi đã xác định được những giá trị của mỗi biến đầu vào, việc kết hợp chúng lại với nhau cũng cần làm sao cho hiệu quả. Ở đây, ta kết hợp mỗi giá trị của x với norm của y và ngược lại. Sau khi loại bỏ ca kiểm thử trùng nhau, ta chỉ còn 9 ca kiểm thử sau: (4,5), (4,6), (4,9), (4,12), (4,13), (1,9), (2,9), (6,9), (7,9).

 

  • Kiểm thử giá trị biên mạnh

Trong nhiều trường hợp, ta có thể sử dụng phương pháp kiểm thử giá trị biên mạnh. Trong phương pháp này, ta thêm vào giá trị min- và max+ cho mỗi miền giá trị của biến đầu vào. Như vậy, với mỗi biến đầu vào, ta có 7 giá trị: min-, min, min+, norm, max-, max, max+. Trong ví dụ ta đang xét, tổ hợp lại ta có thêm 4 ca kiểm thử sau: (0,9), (8,9), (4, 4), (4, 14). Tổng số, ta có 13 ca kiểm thử.

 

  • Kiểm thử giá trị biên tổ hợp

Trong phương pháp này, thay vì ta kết hợp giá trị norm của biến đầu vào này với các giá trị của biến đầu vào khác, ta tính tổ hợp của chúng với nhau. Phương pháp này tạo ra những ca kiểm thử có khả năng tìm lỗi tốt hơn. Tuy nhiên, chúng tạo ra số lượng lớn ca kiểm thử. Số lượng ca kiểm thử được tạo ra cho một hàm có n tham số lên tới 7^n ca.

 

  • Kiểm thử giá trị biên đặc biệt

Trong một số tình huống, việc hiểu rõ nghiệp vụ của hệ thống rất hữu ích để tạo ra những ca kiểm thử có khả năng bắt lỗi cao. Ví dụ điển hình cho tình huống này là việc kiểm thử các giá trị ngày 29 tháng 2 cho những năm nhuận và không nhuận. Ta có thể kiểm tra cả các giá trị ngày 28 và 30 tháng 2 cho cả năm nhuận và năm không nhuận.

 

  • Kiểm thử giá trị biên từ mã nguồn

Mặc dù kiểm thử giá trị biên xuất phát từ yêu cầu của phần mềm, nếu ta không có yêu cầu của phần mềm mà chỉ có mã nguồn của nó, vậy ta có thể áp dụng chiến lược kiểm thử giá trị biên không? Tôi xin dành phần thảo luận lại cho độc giả với tình huống ví dụ và một vài câu hỏi mở phía sau. Giả sử hàm kiểm tra một tam giác hợp lệ với độ dài các cạnh a, b, c đều nằm trong khoảng từ 1 đến 10 (1 <= a, b, c <= 10).

int isTriangle(int a, int b, int c)

{

            if((a < b+c) && (b < a+c) && (c< a+b))

{

                        return 1;

            }

            else return 0;

}

Câu hỏi 1: Liệu trong tình huống này, ta có bao nhiêu ca kiểm thử biên?

Câu hỏi 2: Ta có nên cân nhắc tính biên (b+c) đối với a, (a+c) đối với b, và (a+b) đối với c?

(https://www.facebook.com/thayvietkiemthu/posts/117051350927092)

Sự cần thiết nâng cao kiến thức kiểm thử

Tất cả mọi nghề nghiệp đều cần có sự đầu tư nâng cao kiến thức. Theo tôi, sự nâng cao kiến thức có thể được thực hiện từ nhiều khía cạnh: từ kiến thức ta được trang bị trong trường học và ý thức học hỏi trong nghề nghiệp của bản thân ta đến việc đầu tư nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp trong quá trình đi làm. Trong suốt thời gian hơn 12 năm làm vị trí quản lý dự án, tôi đã tham gia phỏng vấn rất nhiều ứng viên vào các vị trí kiểm thử của đội tôi phụ trách. Có một điều ngạc nhiên là ngoại trừ những ứng viên có chứng chỉ ISTQB (International software testing qualification board – một loại chứng chỉ kiểm thử chuyên nghiệp cho phần mềm) hoặc đã từng đọc, học qua những kiến thức kiểm thử trong đó, có rất nhiều ứng viên không hiểu hoặc không biết một số kỹ thuật kiểm thử rất cơ bản như kiểm thử giá trị biên, kiểm thử phân vùng tương đương, kiểm thử theo bảng quyết định, hay kỹ thuật cao cấp hơn là kỹ thuật phân cặp thông minh (pairwise testing). Những ứng viên này bao gồm cả những em đã được đào tạo bài bản chương trình đại học về công nghệ thông tin (CNTT) hoặc có qua những khóa học kiểm thử viên (tester) ở những trung tâm chuyên nghiệp. Thậm chí, những ứng viên đã có vài năm kinh nghiệm kiểm thử trong những công ty chuyên về phần mềm.

Theo quan sát của tôi, có nhiều lý do cho vấn đề này.

  • Thứ nhất, về phía chương trình học: không phải chương trình đào tạo CNTT nào cũng có môn học về kiểm thử phần mềm và cũng không phải ngành đào tạo nào trong CNTT cũng có môn học này. Tôi nghĩ rằng, ít nhất thì những chương trình đào tạo chuyên về phần mềm nên có môn học này để trang bị cho các em những kỹ năng, kiến thức, và hiểu biết nhất định về công việc kiểm thử phần mềm.
  • Thứ hai, về bản thân các ứng viên: các em vẫn còn khá thụ động trong việc tiếp thu kiến thức hoặc không được các thầy cô truyền đạt những kinh nghiệm hay kiến thức cần thiết về nghề nghiệp trong tương lai. Việc này thể hiện ở chỗ ngay cả những em đã học qua các chương trình đào tạo kiểm thử viên (tester) chuyên nghiệp, các em vẫn không nắm được những phương pháp kiểm thử kể trên. Ta cần nói thật với nhau rằng, khi các em đã xác định theo đuổi một định hướng nghề nghiệp, ta cần phải ăn với nó, ngủ với nó, và sống với nó. Khi đó, không có lý do gì để ta không nghe nói, không biết về những phương pháp kiểm thử này trong thời đại thông tin tràn ngập không gian mạng như ngày nay. Người ta có một câu nói rất hay rằng, “kiến thức ở trên mây, ta chỉ cần mười đầu ngón tay để lấy xuống”.
  • Thứ ba, về ý thức nâng cao kỹ năng trong quá trình đi làm. Khi chúng ta đã được nhận vào làm về kiểm thử trong một đội nhóm, đó mới chỉ là khởi đầu của mọi chuyện. Có nhiều bạn trong đội của tôi, đã kiểm thử những sản phẩm của nhóm vài năm mà bạn vẫn không thành thạo việc thiết lập cấu hình cần thiết cho sản phẩm. Có nhiều ứng viên tôi phỏng vấn, bạn đã có vài năm làm kiểm thử nhưng vẫn không biết hay nghe nói đến những phương pháp kiểm thử tôi đã đề cập. Vậy đây là ý thức nâng cao năng lực bản thân. Trong thời đại ngày nay, chúng ta không tiến nghĩa là chúng ta đang lùi. Không có lý do gì bạn yêu cầu công ty tăng lương khi kiến thức và công việc bạn làm năm nay không khác gì với năm ngoái, tại thời điểm bạn vào công ty.
Trong ngành CNTT ở các nước phát triển, những chuyên gia cao cấp là những người đảm bảo chất lượng phần mềm. Họ nghiên cứu những phương pháp để có thể góp phần nâng cao và đảm bảo chất lượng phần mềm. Đảm bảo ở đây là muốn nói đến sự chính xác ở mức hình thức những thuộc tính nhất định trong thiết kế hoặc cài đặt của  phần mềm. Ở nước ta, do sự hạn chế của trình độ nguồn nhân lực, hạn chế của môi trường phát triển, các kiến thức và kỹ năng kiểm thử vẫn chỉ được phát triển ở một mức độ nhất định, chưa thể chuyên sâu. Sự phát triển của lĩnh vực kiểm thử của ta nói chung và của mỗi người nói riêng rất cần có ý thức nâng cao kiến thức trong công việc của mỗi chúng ta. Ta cần nâng cao kiến thức và kỹ năng cho những bạn trẻ, những người làm kiểm thử chuyên nghiệp từ việc đào tạo kiểm thử và ý thức về chất lượng phần mềm thông qua các chương trình đào tạo. Việc này cũng có thể được thực hiện thông qua sự chủ động tìm kiếm và tiếp thu kiến thức về kiểm thử của mỗi kiểm thử viên. Cuối cùng, mỗi kiểm thử viên có thể đạt được những kiến thức này thông qua việc tự nâng cao năng lực và ý thức về công việc của mình.

Bài này đã phân tích một số khía cạnh về sự cần thiết nâng cao kiến thức kiểm thử để mỗi chúng ta có thể ngày càng tiến bộ trong nghề của mình. Trong những bài sau, tôi sẽ giới thiệu một số phương pháp và kiến thức từ cơ bản đến nâng cao về kiểm thử. Mục đích của việc này là cung cấp kiến thức cho những ai quan tâm, đang tìm kiếm, và thiếu nguồn tài liệu chính thống về kiểm thử. Việc này hướng đến nâng tầm vị trí các công việc của ta có thể làm được trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp phần mềm.

(https://www.facebook.com/thayvietkiemthu/posts/114959587802935)

Một số độ phủ phổ biến trong kiểm thử phần mềm

Kiểm thử phần mềm là một trong hai phương pháp đảm bảo chất lượng phổ biến cho phần mềm: phương pháp kiểm chứng phần mềm và kiểm thử phần mềm. Bên trong kiểm thử phần mềm, ta có nhiều cách tiếp cận để kiểm thử phần mềm như kiểm thử hộp đen, kiểm thử hộp trắng và kiểm thử hộp xám. Trong khi kiểm thử hộp đen tập trung vào phân tích yêu cầu của phần mềm để sinh được các ca kiểm thử, kiểm thử hộp trắng dựa vào mã nguồn của đơn vị được kiểm thử để sinh dữ liệu kiểm thử cho đơn vị đó. Trong khi đó, kiểm thử hộp xám là sự kết hợp của hai loại kiểm thử hộp đen và hộp trắng. Từ bản chất của hai loại hình kiểm thử hộp đen và hộp trắng như vậy, kiểm thử hộp đen được sử dụng để tìm lỗi của phần mềm so với yêu cầu của nó. Trong khi đó, tuy kiểm thử hộp trắng được sử dụng để tìm lỗi của phần mềm, ta tập trung vào việc phân tích mã nguồn, sinh các ca kiểm thử nhằm phủ được mã nguồn theo các tiêu chuẩn phủ khác nhau. Với việc cố gắng  phủ được các loại độ phủ khác nhau, ta tin rằng những dữ liệu kiểm thử của ta sẽ kiểm thử được toàn bộ các trường hợp được cài đặt trong mã nguồn. Từ đó, ta hy vọng là tìm được lỗi của phần mềm tiềm ẩn trong các cài đặt của nó. 

Bài này giới thiệu một số loại độ phủ phổ biến được sử dụng trong kiểm thử hộp trắng và theo luồng điều khiển (control flow graph – CFG) trong lĩnh vực kiểm thử phần mềm. Mỗi loại độ phủ được định nghĩa dựa trên các thành phần khác nhau của đồ thị như câu lệnh, các nhánh thực hiện chương trình, các điều kiện quyết định nhánh, các điều kiện con, hoặc sự kết hợp của chúng, v.v.  Mục tiêu của các phương pháp sinh dữ liệu kiểm thử là sinh tập dữ liệu kiểm thử sao cho đạt được mức độ phủ tối đa trong khi số lượng ca kiểm thử cần thiết là tối thiểu. Sau đây là một số loại độ đo phổ biến thường được sử dụng [LeeCopeland2004]:

Độ phủ cấp 1 (C1) (độ phủ câu lệnh): Mỗi câu lệnh của hàm được thực hiện tối thiểu một lần sau khi chạy các ca kiểm thử. Ví dụ, với hàm getAverage sau đây, ta chỉ cần 1 ca kiểm thử (arr[0] = 5, n = 1) để phủ được toàn bộ câu lệnh của nó. Người ta nói rằng, việc không kiểm thử chương trình để đạt được độ phủ 100% các câu lệnh là một việc làm không chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm trong nghề nghiệp của ta.

float getAverage(int arr[], int n)

{

    float avg = 0;

    int temp = 0;

 

    if (n > 0)

    {

        for (int i = 0; i < n; i++)

        {

            temp += arr[i];

        }

        avg = temp / n;

    }

    return avg;

}

 

Độ phủ cấp 2 (C2) (Độ phủ nhánh): Độ phủ này còn được biết đến với tên độ phủ quyết định (decision coverage). Cả hai nhánh đúng và sai ở các đỉnh điều kiện trong đồ thị luồng điều khiển của đơn vị cần kiểm thử được thực hiện ít nhất một lần. Ví dụ, với hàm getAverage ở trên, ta cần hai ca kiểm thử sau để phủ được hết các nhánh của hàm: (arr = null, n = 0), (arr[0] = 5, n = 1).

Độ phủ cấp 3 (C3) (Độ phủ điều kiện con, Modified condition/decision coverage - MC/DC): Với những hàm có chứa câu điều kiện phức tạp với nhiều điều kiện con, việc đảm bảo toàn bộ các điều kiện con được kiểm tra là một tiêu chí quan trọng. Việc này để đảm bảo các điều kiện được viết trong hàm là có chủ đích và kiểm soát được. Ví dụ, với điều kiện (a == 2) && (b > 3), ta nói rằng điều kiện này có hai điều kiện con là (a == 2) và (b > 3). Như ta đã biết, mỗi điều kiện con sẽ có hai nhánh đúng và sai. Như vậy, với điều kiện này, ta có bốn nhánh. Để phủ được theo độ phủ cấp 3, ta cần bốn ca kiểm thử sau: (a = 2, b = 4), (a = 3, b = 4), (a = 2, b = 3), (a = 3, b = 3).

Đôi khi, ta cũng có xét một độ phủ với mức độ yêu cầu thấp hơn là độ phủ điều kiện (condition coverage) (mỗi điều kiện được tính toán ít nhất một lần). Ví dụ, với điều kiện (a == 2) && (b > 3), ta chỉ cần hai ca kiểm thử để đạt độ phủ này (a = 2, b = 4) (ca kiểm thử này b > 3 không được tính toán), và (a = 3, b = 4) (vì a = 3 nên b > 3 được tính toán).

Độ phủ cấp 4 (C4) (Độ phủ đa điều kiện): Trong trường hợp này, ta cần dựa vào hiểu biết của ta với bản thân ngôn ngữ lập trình và trình biên dịch để đảm bảo rằng toàn bộ điều kiện con của lệnh điều kiện được tính toán và các ca kiểm thử được sinh ra phải phủ được cả hai nhánh TRUE và FALSE của toàn bộ các lệnh điều kiện con. Ở một mức độ nào đó, độ phủ này giống với độ  phủ C3 được trình bày ở trên. Khi đạt được độ phủ này, ta chắc chắn đã đạt được độ phủ C3.

Độ phủ cấp 5 (C5) (Độ phủ vòng lặp): Trong trường hợp hàm cần kiểm thử có chứa lệnh vòng lặp mà vòng lặp này làm cho số lượng đường thi hành của hàm trở nên vô hạn. Ta có thể giảm số lượng ca kiểm thử này về một số trường hợp sau.

Trường hợp 1: vòng lặp không được thực hiện lần nào.

Trường hợp 2: vòng lặp được thực hiện một lần.

Trường hợp 3: vòng lặp được thực hiện n lần với n là một số nhỏ đại diện cho một giá trị lặp thường gặp.

Trường hợp 4: thực thi vòng lặp một số m lần với m là số lớn nhất có thể. Thêm vào đó, ta có thể thử với số lần lặp là m – 1 và m + 1 để có thể kiểm tra được nhiều trường hợp thực thi hơn.

Độ phủ cấp 6 (C6) (Độ phủ đường thi hành): Với những hàm không chứa vòng lặp, thường thì số lượng đường thi hành không quá lớn. Vì vậy, ta có thể sinh các ca kiểm thử để có thể phủ được toàn bộ đường thi hành tương ứng của hàm. Với các hàm có chứa vòng lặp, số lượng đường thi hành có thể rất lớn phụ thuộc vào vòng lặp của hàm. Vì vậy, ta có thể áp dụng độ phủ C5 đã được trình bày ở trên để sinh ca kiểm thử.

 

[LeeCopeland2004] Copeland Lee, A practitioner’s guide to software test design, Artech House, Inc., Norwood, MA, USA, 2003

(https://www.facebook.com/thayvietkiemthu/posts/112786171353610)

Kiểm thử cặp đôi thông minh

  Kiểm thử cặp đôi thông minh (pairwise testing) là một trường hợp đặc biệt của phương pháp kiểm thử tổ hợp. Trong phương pháp kiểm thử cặp ...