Tất cả mọi nghề nghiệp đều cần có sự đầu tư nâng cao kiến thức. Theo tôi, sự nâng cao kiến thức có thể được thực hiện từ nhiều khía cạnh: từ kiến thức ta được trang bị trong trường học và ý thức học hỏi trong nghề nghiệp của bản thân ta đến việc đầu tư nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp trong quá trình đi làm. Trong suốt thời gian hơn 12 năm làm vị trí quản lý dự án, tôi đã tham gia phỏng vấn rất nhiều ứng viên vào các vị trí kiểm thử của đội tôi phụ trách. Có một điều ngạc nhiên là ngoại trừ những ứng viên có chứng chỉ ISTQB (International software testing qualification board – một loại chứng chỉ kiểm thử chuyên nghiệp cho phần mềm) hoặc đã từng đọc, học qua những kiến thức kiểm thử trong đó, có rất nhiều ứng viên không hiểu hoặc không biết một số kỹ thuật kiểm thử rất cơ bản như kiểm thử giá trị biên, kiểm thử phân vùng tương đương, kiểm thử theo bảng quyết định, hay kỹ thuật cao cấp hơn là kỹ thuật phân cặp thông minh (pairwise testing). Những ứng viên này bao gồm cả những em đã được đào tạo bài bản chương trình đại học về công nghệ thông tin (CNTT) hoặc có qua những khóa học kiểm thử viên (tester) ở những trung tâm chuyên nghiệp. Thậm chí, những ứng viên đã có vài năm kinh nghiệm kiểm thử trong những công ty chuyên về phần mềm.
Theo quan sát của tôi, có nhiều lý do cho vấn đề này.
- Thứ nhất, về phía chương trình học: không phải chương trình đào tạo CNTT nào cũng có môn học về kiểm thử phần mềm và cũng không phải ngành đào tạo nào trong CNTT cũng có môn học này. Tôi nghĩ rằng, ít nhất thì những chương trình đào tạo chuyên về phần mềm nên có môn học này để trang bị cho các em những kỹ năng, kiến thức, và hiểu biết nhất định về công việc kiểm thử phần mềm.
- Thứ hai, về bản thân các ứng viên: các em vẫn còn khá thụ động trong việc tiếp thu kiến thức hoặc không được các thầy cô truyền đạt những kinh nghiệm hay kiến thức cần thiết về nghề nghiệp trong tương lai. Việc này thể hiện ở chỗ ngay cả những em đã học qua các chương trình đào tạo kiểm thử viên (tester) chuyên nghiệp, các em vẫn không nắm được những phương pháp kiểm thử kể trên. Ta cần nói thật với nhau rằng, khi các em đã xác định theo đuổi một định hướng nghề nghiệp, ta cần phải ăn với nó, ngủ với nó, và sống với nó. Khi đó, không có lý do gì để ta không nghe nói, không biết về những phương pháp kiểm thử này trong thời đại thông tin tràn ngập không gian mạng như ngày nay. Người ta có một câu nói rất hay rằng, “kiến thức ở trên mây, ta chỉ cần mười đầu ngón tay để lấy xuống”.
- Thứ ba, về ý thức nâng cao kỹ năng trong quá trình đi làm. Khi chúng ta đã được nhận vào làm về kiểm thử trong một đội nhóm, đó mới chỉ là khởi đầu của mọi chuyện. Có nhiều bạn trong đội của tôi, đã kiểm thử những sản phẩm của nhóm vài năm mà bạn vẫn không thành thạo việc thiết lập cấu hình cần thiết cho sản phẩm. Có nhiều ứng viên tôi phỏng vấn, bạn đã có vài năm làm kiểm thử nhưng vẫn không biết hay nghe nói đến những phương pháp kiểm thử tôi đã đề cập. Vậy đây là ý thức nâng cao năng lực bản thân. Trong thời đại ngày nay, chúng ta không tiến nghĩa là chúng ta đang lùi. Không có lý do gì bạn yêu cầu công ty tăng lương khi kiến thức và công việc bạn làm năm nay không khác gì với năm ngoái, tại thời điểm bạn vào công ty.
Bài này đã phân tích một số khía cạnh về sự cần thiết nâng cao kiến thức kiểm thử để mỗi chúng ta có thể ngày càng tiến bộ trong nghề của mình. Trong những bài sau, tôi sẽ giới thiệu một số phương pháp và kiến thức từ cơ bản đến nâng cao về kiểm thử. Mục đích của việc này là cung cấp kiến thức cho những ai quan tâm, đang tìm kiếm, và thiếu nguồn tài liệu chính thống về kiểm thử. Việc này hướng đến nâng tầm vị trí các công việc của ta có thể làm được trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp phần mềm.
(https://www.facebook.com/thayvietkiemthu/posts/114959587802935)